Xôi tím là món ăn truyền thống đặc sắc của đồng bào Tày, Nùng ở Lạng Sơn không chỉ thơm ngon mà còn đẹp mắt. Đây cũng là đặc sản ưa thích của nhiều khách du lịch khi đến địa phương này. Món xôi tím được làm từ nguyên liệu gì mà hấp dẫn đến thế?
Nguyên liệu đặc trưng của núi rừng
Xôi tím lá cẩm là một món ăn đặc trưng của người dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Không chỉ xuất hiện trên mâm cỗ những ngày lễ Tết mà thường ngày xôi tím còn là thức quà bình dị của người dân và du khách khi muốn thưởng thức đặc sản của địa phương.
Từ những nguyên liệu dân dã, đậm đà hương vị của núi rừng như gạo nếp nương, tro rơm nếp, lá cẩm… qua phương thức chế biến đặc biệt của đồng bào đã tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn và thơm ngon đặc biệt.
Nếp nương đồ xôi lá cẩm.
Gạo nếp nương: Theo người dân địa phương, loại gạo để làm xôi tím phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt to tròn, bóng mẩy, ngon nhất là gạo nếp được trồng ở vùng núi Bắc Sơn. Do được trồng trên vùng đồi núi cao, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết tự nhiên nên lúa ít sâu bệnh, hạt gạo dẻo và thơm ngon.
Nếp cái hoa vàng Bắc Sơn thơm ngon đứng đầu trong các loại gạo nếp, hạt đầy tròn, không vỡ, khi đồ lên hạt gạo rất trong, mềm nhưng không nát và có vị thơm mát hấp dẫn.
Gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn.
Lá cẩm: Lá nếp cẩm ngoài công dụng tạo màu thực phẩm (cho các món xôi, thạch, bánh…) đồng thời cũng là loại cây thuốc có tính mát, giải nhiệt, có tác dụng chữa các bệnh về hô hấp rất hiệu quả.
Cây lá cẩm là cây thảo sống lâu năm, thường mọc tự nhiên thành bụi ở các vùng rừng núi. Loại cây này xuất hiện ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tại nước ta, cây sinh trưởng phát triển tốt tại các tỉnh miền núi do có điều kiện khí hậu thích hợp như: Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình…
Do có công dụng làm thuốc và tạo màu thực phẩm đẹp nên hiện nay cây lá cẩm cũng được trồng ở một số địa phương khác nhưng không nhiều vì điều kiện thời tiết không phù hợp.
Cây lá cẩm được dùng để làm thuốc và tạo màu thực phẩm.
Màu xanh tím đặc trưng của món xôi cẩm Lạng Sơn được tạo ra từ sự kết hợp giữa lá cẩm và tro rơm nếp trộn đều, giã nhuyễn và lấy được nước cốt có màu tím đậm. Sau đó ngâm gạo với nước cốt khoảng 4 tiếng và đem đồ trong chõ để cho ra thành phẩm là món xôi có một màu xanh tím tự nhiên vô cùng đẹp mắt.
Xôi lá cẩm sau khi chín sẽ giữ nguyên được màu xanh đậu biếc với hương vị dẻo thơm của gạo nếp, vị thanh mát của tro rơm nếp. Xôi tím thường ăn với thịt gà luộc hay muối lạc rang rất ngon.
Món xôi tím lá cẩm vô cùng đẹp mắt và thơm ngon.
Chú ý lựa chọn nguyên liệu an toàn để tạo màu cho thực phẩm
Mới đây vừa xảy ra vụ ngộ độc do ăn xôi nhà làm tại nhà vừa xảy tại tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể là có một gia đình 4 người, dân tộc Nùng ở xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng, khi ăn xôi màu tím tự làm đã bị ngộ độc. Có 2 người bị ngộ độc nhẹ được theo đõi điều trị tại nhà, còn 2 người bị rất nặng phải nhập viện cấp cứu, trong đó có bệnh nhân nam trẻ tuổi nguy kịch do tan máu, suy đa tạng, suy hô hấp… được chẩn đoán tan máu do ngộ độc thức ăn. Rất may mắn, các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời và ổn định sức khỏe.
TIN LIÊN QUAN
Cảnh báo về loại quả rừng giống quả cherry nhưng chứa độc tính và gây tử vong
Theo các bác sĩ, nguyên nhân ban đầu do gia đình thấy một loại cây cỏ ở Trung Quốc có màu đẹp sau đó mang về nhà ép lấy nước để ngâm gạo làm màu cho món xôi tím. Loại cây cỏ không rõ nguồn gốc này có thể chứa độc tính và là nguyên nhân gây ngộ độc nặng cho các bệnh nhân.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên dùng các loại cây, cỏ không rõ nguồn gốc hay các phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo để tạo màu thực phẩm. Cách an toàn nhất là chỉ nên dùng các nguyên liệu liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ, được kiểm chứng an toàn như: gấc, cà chua, nghệ hay loại lá đã được sử dụng lâu đời như lá cẩm để tạo màu cho món ăn.
Xem thêm video đang được quan tâm
Ăn bắp có giúp cải thiện chức năng não? | SKĐS