Sữa mẹ chính là nguồn thức ăn tự nhiên hoàn chỉnh và tốt nhất cho trẻ. Các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp với hệ tiêu hóa và hấp thụ của trẻ đều có đầy đủ trong sữa mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ – lợi ích bất ngờ cho mẹ và bé
Theo nghiên cứu, sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh tật, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì, các bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Mẹ cho con bú còn tạo ra sự gần gũi về thể chất, bao gồm việc tiếp xúc da thịt và giao tiếp bằng mắt. Hành động ý nghĩa này giúp tạo ra sự gắn kết, khiến trẻ gần gũi với mẹ hơn và mang đến cảm giác bình yên cho cả mẹ và con.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ chống suy dinh dưỡng.
Dù có nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng không phải bà mẹ nào cũng biết và thực hiện. Những yếu tố ảnh hưởng đến nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu thường gặp là: Mẹ phải đi làm sớm, mẹ nghĩ rằng sữa của mình không tốt bằng sữa công thức. Không những vậy, tình trạng quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm sữa công thức thay thế sữa mẹ hay sữa non đã tác động khá tiêu cực khiến một số phụ huynh tin dùng.
Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho bé mà còn mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho cả chính người mẹ. Khoa học đã chứng minh, tổng thời gian phụ nữ cho con bú có liên quan mật thiết đến việc giảm nguy cơ ung thư vú và bệnh ung thư buồng trứng. Ngoài ra, phụ nữ cho con bú ít có nguy cơ mắc phải các bệnh như huyết áp cao, viêm khớp, mỡ máu cao, tim mạch và tiểu đường tuýp 2…
Đặc biệt, để phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, các bà mẹ cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, cần cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh, cho trẻ bú hoàn toàn 6 tháng đầu, không nên cai sữa trước 12 tháng, nên cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi.
Tăng cường vận động phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi con bằng sữa mẹ
Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số (và hầu hết các dân tộc này đều sống ở những vùng núi, vùng sâu vùng xa với sự phát triển kinh tế – xã hội hạn chế và điều kiện giao thông khó khăn. Do đó, việc đảm bảo tất cả phụ nữ có thể tiếp cận bình đẳng tới các thông tin, dịch vụ y tế chất lượng trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ khoa học quả là một thách thức rất lớn.
Báo cáo từ các địa phương cho thấy, một trong những rào cản phổ biến hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của phụ nữ dân tộc thiểu số đó là do dịch vụ y tế tuyến huyện chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của người bệnh, không đủ để họ vượt qua trở ngại về khoảng cách đi lại và thay đổi quan điểm chỉ cần sinh con tại nhà.
Một bà mẹ người dân tộc thiểu số cho con bú sữa mẹ.
Khi vận động sản phụ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, các Trung tâm Y tế huyện thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin hạn chế của bà mẹ cùng nhiều phong tục tập quán cổ hủ của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế, trẻ nhỏ thường được cho uống nước cơm thay sữa, ăn cơm từ quá sớm hoặc do mẹ đi làm rẫy sớm nên không thể cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Nuôi con bằng sữa mẹ kết hợp với việc ăn bổ sung các thực phẩm an toàn và phù hợp cũng chính là cách thức nuôi dưỡng trẻ tốt nhất nhằm giảm nguy cơ suy dinh dưỡng. Do đó, người bố và các thành viên trong gia đình cần tích cực hỗ trợ sản phụ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến khi trẻ tròn 2 tuổi hoặc lâu hơn nếu có thể.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, điều quan trọng nhất để tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ là phải tạo ra một môi trường hỗ trợ và bảo vệ cho bà mẹ và trẻ em. Trong mỗi gia đình sự thành công của việc nuôi con bằng sữa mẹ phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của người chồng đối với vợ trong việc hỗ trợ tình cảm, tham gia chia sẻ công việc nhà với vợ, chăm sóc sức khỏe cho vợ sau sinh, nhắc và động viên vợ tích cực cho con bú.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Video: Ước mơ của “Nguyễn Ngọc Ký nhí”.