Đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nhất là tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em trong cộng đồng dân tộc thiểu số là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng.
Nuôi con bằng sữa mẹ với vô vàn lợi ích “vàng”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau đó tiếp tục cho trẻ bú mẹ kèm ăn bổ sung thích hợp cho trẻ đến 2 tuổi hoặc hơn thế nữa.
Các bác sĩ dinh dưỡng đều cho rằng, sữa mẹ mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng tuyệt vời và hoàn hảo nhất vì giúp cung cấp gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như vitamin, khoáng chất, đạm, protein và chất béo… Đặc biệt, nhiều đạm dễ tiêu hóa và các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ được chia tỷ lệ hợp lý để kích thích đường ruột làm việc một cách hiệu quả nhất, giúp em bé hấp thụ dinh dưỡng tối đa, nhất là trong giai đoạn sơ sinh khi hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn và vi rút. Sữa mẹ chính là một thực phẩm hoàn toàn sạch, trẻ bú mẹ trực tiếp nên càng đảm bảo an toàn vệ sinh.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ phát triển tốt cả thể chất lẫn trí tuệ.
Trẻ bú sữa mẹ còn giảm nguy cơ dị ứng, sâu răng, giúp phát triển xương hàm, răng, giọng nói, khuôn mặt tốt hơn. Tuy rất giàu dinh dưỡng giúp phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ nhưng việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ lại không khiến bé tăng cân quá mức gây thừa cân, béo phì, nhất là trong 2 năm đầu đời. Bên cạnh đó, trẻ bú sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh, rối loạn đường ruột, tiểu đường, đái tháo đường, huyết áp… hay viêm tai giữa…
Sữa mẹ còn giàu DHA – thành phần quan trọng nhất cho sự phát triển não bộ của trẻ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng tạo ra sự gần gũi về thể chất khi mẹ vừa tiếp xúc da thịt vừa giao tiếp bằng mắt với con. Cũng từ đây, sự gắn kết giữa mẹ và bé hình thành, mang đến cảm giác an yên cho mẹ và con.
Không chỉ vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Riêng với người mẹ, việc cho con bú sẽ làm giảm nguy cơ băng huyết, thiếu máu sau sinh, giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng, tử cung. Đồng thời, ở giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu giúp phụ nữ sẽ đạt hiệu quả cao trong việc tránh thai an toàn giúp họ nhanh chóng hồi phục cân nặng, vóc dáng ban đầu.
Khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi con bằng sữa mẹ
Với nhiều ích lợi như trên, việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Chúng ta cần có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, cải thiện tình trạng tiếp cận với thông tin y tế, chăm sóc sức khỏe của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay.
Sữa mẹ giúp trẻ phát triển tốt và gắn bó tình cảm mẹ – con (PV T4G Bắc Kạn).
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em người dân tộc thiểu số là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Do đặc thù sinh sống ở những vùng núi, vùng sâu vùng xa, kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, nên việc đảm bảo tất cả phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tiếp cận bình đẳng tới các dịch vụ y tế thuận lợi, có chất lượng trong quá trình mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ nhỏ là một thách thức rất lớn đối với Đảng và Nhà nước ta. Thực tế, hiện tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số được tiếp cận với dịch vụ y tế còn rất thấp.
Trong những năm gần đây, nhằm nâng cao nhận thức cho các bà mẹ về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, ngành y tế đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn cho các bà mẹ mang thai, bà mẹ đang nuôi con nhỏ về lợi ích, sự cần thiết nên nuôi con bằng sữa mẹ. Nhờ vậy, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ tại các tỉnh đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được cải thiện đáng kể qua mỗi năm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bất ngờ phát hiện ung thư phổi chỉ từ 3 dấu hiệu đơn giản.