Với những người thích ăn chay nhưng vẫn muốn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng thì nấm là một loại thực phẩm không thể thiếu. Dưới đây là một số loại nấm phổ biến dễ dàng mua được ở các chợ, siêu thị và cách chế biến món ăn chay ngon miệng từ nấm cho mùa Vu Lan thêm trọn vẹn.
1. Nấm mỡ trắng
Nấm mỡ trắng có tên khoa học là Agaricus bisporus, có nguồn gốc từ vùng đồng cỏ ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Nấm mỡ có thể được sử dụng làm nguyên liệu chính cho món hầm thuần chay thịnh soạn hoặc thái hạt lựu và thêm chúng vào món salad để có kết cấu tương tự thịt.
Nếu bạn muốn thưởng thức nấm mỡ trắng ở dạng nguyên chất hơn, hãy cắt lát và áp chảo trong dầu hoặc bơ không chứa sữa với tỏi băm nhỏ và rau mùi tây tươi xắt nhỏ.
Món nấm mỡ xào chay với nguyên liệu đơn giản: Nấm mỡ tươi 100g, hành tây 100g rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Phi dầu ăn cùng hành tỏi băm cho thơm, cho nấm vào xào chín cùng dầu hào chay, chút muối. Khi nấm chín, đổ hành tây vào đảo nhanh tay, thêm hạt nêm chay, cần tây, hành hoa, rau mùi thái nhỏ. Xúc ra đĩa, rắc hạt tiêu lên trên và thưởng thức.
Nấm mỡ trắng có thể chế biến thành nhiều món chay ngon miệng.
Món salad nấm mỡ cho bữa chay thêm ngon miệng: Nguyên liệu cho món này gồm nấm mỡ 500g rửa sạch thái lát. Cho vào nồi nước sôi luộc sơ rồi vớt ra ngâm vào tô nước lạnh để nấm được trắng và không bị dai. Dưa chuột, xà lách rửa sạch và cắt miếng vừa ăn. Ngô ngọt tách hạt luộc chín hoặc nếu dùng ngô đóng hộp thì cần rửa sạch ngô với nước lọc. Trộn tất cả nguyên liệu với nước sốt mè rang hoặc sốt mayonnaise cùng hạt tiêu và một chút muối. Sau 15 phút các gia vị ngấm đều là bạn đã có một món chay ngon miệng và giàu dinh dưỡng.
2. Nấm kim châm
Nấm kim châm có tên khoa học là Flammulina velutipes, mọc thành cụm với thân dài, mảnh màu trắng và một đầu nhỏ bằng kim. Hương vị của nấm kim châm nhẹ và không đặc biệt đáng chú ý, nhưng lại có kết cấu dai dễ chịu khiến chúng thích hợp để xào, nướng, om và thêm vào lẩu, súp mì, canh kim chi.
Nấm kim châm xào chay với mướp: Nấm kim châm 150g sơ chế, cắt gốc, rửa sạch và tách nhỏ. Mướp hương 1 quả gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn. Phi thơm hành tím băm nhỏ, cho nấm vào chảo trước rồi đến mướp hương, cho chút muối, hạt nêm chay đảo đều. Khi mướp và nấm chín thêm hành hoa, rau mùi thái nhỏ và chút hạt tiêu cho thơm. Xúc ra đĩa dùng kèm với cơm.
Nấm kim châm xào mướp chay.
Nấm kim châm sốt đậu phụ: Nấm kim châm 150g sơ chế sạch sẽ, đem hấp hoặc luộc chín tới. Phi thơm hành tỏi băm, cho vào chảo 100 ml nước lọc. Nêm dầu hào chay, hạt nêm chay, nước tương và 1 thìa nhỏ sa tế chay để có nước sốt vừa miệng. Cho nấm vào đun thêm 1-2 phút, thêm đậu phụ hoặc đậu hũ non cắt miếng vào và tắt bếp. Xúc đậu và nấm ra đĩa, rắc thêm rau mùi, cà rốt thái sợi và rưới nước sốt lên trên.
Đậu phụ sốt nấm kim châm.
3. Nấm đùi gà
Nấm đùi gà tên khoa học Pleurotus eryngii, là một loài nấm có mùi thơm của quả hạnh, vị ngọt và giòn của bào ngư. Loài nấm này có xuất xứ từ khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông, Bắc Phi nhưng hiện nay được trồng nhiều ở khu vực châu Á.
Nấm đùi gà kho tiêu: 500g nấm đùi gà rửa sạch, cắt khúc vừa ăn cho thêm 200ml nước cùng một chút muối đun cho nước sôi tầm 20 phút. Tiếp đến cho 2 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh dầu hào chay, 1 muỗng cà phê đường, 2 quả ớt khô và 1 muỗng cà phê tiêu sọ vào kho với lửa nhỏ đến khi nước trong nồi cạn gần hết là được.
Nấm đùi gà áp chảo: 200g nấm đùi gà rửa sạch và bổ dọc theo thân thành 3 lát. Làm nóng chảo, cho 1 thìa canh bơ nhạt (loại không có muối) cho tan chảy. Cho từng miếng nấm vào áp chảo cho vàng đều 2 mặt. Rắc thêm chút muối và tiêu bột. Có thể thêm 1 chút rượu nấu ăn và đậy vung trong 1 phút. Vớt nấm ra đĩa và thưởng thức.
Nấm đùi gà nhiều chất dinh dưỡng và chế biến được nhiều món chay ngon.
4. Nấm bào ngư
Nấm bào ngư (còn gọi là nấm sò) là một trong những loại nấm tươi được ưa chuộng ở Việt Nam nhờ giá thành phải chăng và giàu dinh dưỡng. Nấm bào ngư có tên khoa học là Pleurotus Ostreatus, thường có màu trắng hoặc nâu nhạt và các kệ mọc thành cụm tròn, chồng lên nhau.
Nấm bào ngư thường bị ra nước khi nấu trong nhiều chất lỏng, vì vậy không thích hợp để làm súp hoặc món hầm. Ngược lại, nấm bào ngư thích hợp để chế biến bằng cách nướng, áp chảo hoặc chiên, đặc biệt là khi được phủ một lớp bột chiên giòn.
Nấm bào ngư lăn bột chiên giòn: Nấm bào ngư 400g rửa sạch, để ráo nước, tách từng cây và để nguyên thân nấm. Trộn 100g bột khoai tây, bột chiên giòn 100g, 1 quả trứng gà, 1/4 muỗng cà phê muối và hạt tiêu xay và khuấy đều lên. Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào rồi đợi cho dầu ăn nóng già. Lăn nấm qua tô bột đã trộn và thả nấm vào chiên cho vàng giòn. Vớt nấm đã chiên ra đĩa có lót giấy thấm dầu và rắc bột phô mai hoặc bột ớt lên trên tùy thích.
Nấm bào ngư chiên giòn.
Cháo nấm bào ngư chay: Vo sạch 2 nắm gạo tẻ + 1 nắm gạo nếp nấu thành cháo cho nhừ (có thể ngâm gạo 30 phút và giã dập hạt gạo cho cháo nhanh mềm). Nấm bào ngư 100g sơ chế và xé nhỏ thành sợi, càng nhỏ càng tốt. Khi cháo đã nhừ thêm cà rốt thái nhỏ, nấm hương thái nhỏ, nấm bào ngư đã chuẩn bị. Đảo đều tay trong 3 – 5 phút và dùng hạt nêm chay để nêm nếm cho hợp khẩu vị. Cháo bào ngư có vị ngọt thanh và giàu chất dinh dưỡng từ nấm, là một món ăn chay thanh đạm, tốt cho người cao tuổi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn bắp có giúp cải thiện chức năng não?