Chế độ dinh dưỡng của những bà mẹ bị bệnh lý như thiếu máu, tiểu đường, bệnh gan… cần có sự quan tâm đặc biệt để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Dinh dưỡng với thai phụ bị thiếu máu
Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015 cho thấy 32,8% phụ nữ có thai tại Việt Nam bị thiếu máu trong đó thiếu máu do thiếu sắt chiếm gần 70%. Nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ có thai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Nhu cầu sắt của phụ nữ có thai cao hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến. Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng gây thiếu máu nhiều hơn.
Thiếu máu ở phụ nữ có thai gây nên tình trạng thiếu ôxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não…có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Mẹ dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản. Con bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, dễ mắc bệnh sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu.
Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu vi chất ở phụ nữ có thai cần chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic, kiểm soát tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột và sốt rét.
Sắt có nhiều trong thịt đỏ, cá, gan, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau xanh… Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn thực vật. Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, can xi, photpho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe thai phụ. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Ngoài ra, lòng đỏ trứng có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6) và vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, K) rất tốt cho phụ nữ có thai. Mỗi tuần thai phụ có thể ăn từ 3-4 quả trứng gà.
Ngoài việc lựa chọn các thực phẩm giàu chất sắt từ nguồn thức ăn động vật, còn cần phối hợp với các lọai trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn như cam, bưởi, thanh long, táo… sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn; hạn chế những chất ức chế hấp thu sắt như tannin, phytat có trong ngũ cốc thô, trà…
Thai phụ thiếu acid folic và một số vi chất dinh dưỡng
Phụ nữ có thai thường dễ bị thiếu acid folic. Một điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy có tới 63% phụ nữ có mức folat hồng cầu thấp. Thiếu acid folic không chỉ gây thiếu máu hồng cầu to mà còn có thể gây những dị tật ống thần kinh của thai nhi như vô sọ, thoát vị cột sống. Ngoài ra, tình trạng thiếu một số vi chất khác ở người mẹ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi, đặc biệt là tỷ lệ thiếu kẽm lên tới gần 80% ở phụ nữ có thai, khẩu phần can xi thấp của hầu hết các PNCT ảnh hưởng đến chiều dài sơ sinh..
Thiếu iod ở phụ nữ có thai làm tăng nguy cơ sảy thai, tai biến sản khoa như sinh non, con dễ bị suy giáp bẩm sinh, chậm phát triển tâm vận động.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn cần đa dạng. Phụ nữ có thai nên lựa chọn các thực phẩm giàu acid folic là rau lá xanh, nấm rơm, mầm lúa mì, đậu đỗ, các loại hạt, trái cây đặc biệt là cam, dâu tây, lê, dưa hấu… không chỉ giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh mà còn là 1 thành phần tạo máu, góp phần phòng chống thiếu máu cho phụ nữ có thai.
Do nhu cầu sắt và acid folic ở của phụ nữ có thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó có thể đáp ứng đủ nên phụ nữ có thai cần uống bổ sung sắt và acid folic với liều 60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic mỗi ngày theo khuyến nghị WHO. Uống bổ sung sắt và acid folic cần uống đều đặn hàng ngày kể từ khi phát hiện có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng.
Sử dụng muối iod trong chế biến món ăn hàng ngày là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao trong phòng chống thiếu hụt iod ở các bà mẹ tương lai. Tăng sử dụng các thực phẩm được tăng cường vi chất dinh dưỡng, tiêu thụ sữa có tăng cường sắt, acid folic và các vi chất dinh dưỡng khác….
Dinh dưỡng với thai phụ bị bệnh tim
Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ có thai tử vong. Tỷ lệ thai lưu của phụ nữ bệnh tim cũng cao gấp 5 lần và con của họ bị tử vong trong giai đoạn sơ sinh cũng cao gấp 1,5 lần so với các bà mẹ sức khỏe bình thường. Vì vậy, cần quan tâm hơn đến vấn đề tim mạch của phụ nữ có thai và cần tầm soát tốt hơn. Nếu phụ nữ bệnh tim được điều trị và theo dõi bệnh tốt thì tỷ lệ biến chứng thấp. Trong thai kỳ, việc chẩn đoán bệnh tim rất khó khăn vì các triệu chứng của bệnh tim thường bị nhầm lẫn với những triệu chứng của mang thai như khó thở, mệt mỏi và ợ nóng hoặc bệnh cơ tim có thể chỉ biểu hiện triệu chứng khi mang thai. Vì vậy, đối với thai phụ, cần khám thai đầy đủ để được phát hiện sớm và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Khi chăm sóc thai phụ mắc bệnh tim mạch cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng sẽ giúp chăm sóc phụ nữ có thai tốt hơn. Trong chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, cần chú ý ăn giảm muối, hạn chế muối để giảm gánh nặng cho tim (dưới 4g muối/ngày hoặc thấp hơn nữa theo chỉ định của bác sĩ tim mạch), hạn chế các chất kích thích như trà, cà phê, bia rượu. Không hút thuốc lá, ăn đủ chất xơ để tránh táo bón (>=400g rau/ngày), không ăn quá no, nên chia nhiều bữa nhỏ để tránh khó thở (4-6 bữa/ngày), lao động, vận động và nghỉ ngơi hợp lý.
Dinh dưỡng với thai phụ bị bệnh gan
Theo thống kê của Hội gan mật Việt Nam, nước ta có khoảng 10 đến 20% dân số mắc các bệnh về gan, trong đó viêm gan B chiếm đa số. Có khoảng 12 triệu người mắc viêm gan B trong đó có hơn 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị viêm gan siêu vi B mạn tính. Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con. Tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con tùy thời điểm người mẹ bị mắc bệnh. Cụ thể, mẹ mắc bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con là 1%, nếu mắc trong ba tháng giữa thai kỳ là 10%, còn mắc ở ba tháng cuối thai kỳ là 60%.
Khi mang thai thì sức đề kháng của phụ nữ thường giảm, do đó khi bị nhiễm bệnh sẽ dễ dẫn đến bệnh nặng hơn và tử vong cao hơn do suy gan cấp hoặc tối cấp và nếu hồi phục thì cũng dễ diễn tiến mạn tính hơn người thường. Nếu mắc viêm gan B, thai phụ sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chán ăn và vàng da (mắt và màu da trở nên vàng nhợt).
Người mẹ bị viêm gan B còn có thể gây ảnh hưởng đến thai như nguy cơ sinh non, chuyển dạ sớm có biến chứng, xuất huyết trước sinh, tiểu đường thai kỳ, bé sinh ra dễ bị suy hô hấp…
Khi chuyển dạ hoặc bị sảy thai, người mẹ có nguy cơ tử vong cao do mất các yếu tố đông máu và rơi vào tình trạng hôn mê do gan mất chức năng chống độc.
Khi thai phụ bị viêm gan do nhiễm siêu vi B, ngoài việc dùng thuốc, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ giúp làm chậm thời gian tiến triển bệnh từ viêm gan mạn sang xơ gan.
Chế độ ăn uống nên chú ý ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, không nên quá kiêng cữ để duy trì sức khỏe, giúp phục hồi tốt chức năng gan; Chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực tiết mật cùng một lúc trong thời gian dài cho gan; Ăn uống đúng giờ, không để cơ thể bị đói vì khi bị đói gan sẽ phải lấy các glucogen dự trữ để tiêu hao cho hoạt động của cơ thể. Điều này khiến gan trở nên mệt mỏi hơn.
Dinh dưỡng cho thai phụ bị tiền sản giật
Tiền sản giật là sự xuất hiện cao huyết áp với protein niệu và/hoặc phù, do thai nghén hoặc ảnh hưởng của một thai nghén rất gần. Tiền sản giật, sản giật thường xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ và chấm dứt sau 6 tuần sau đẻ. Tuy nhiên, tiền sản giật nặng có thể phát triển sớm trước thời điểm đó với sự hiện diện của bệnh lá nuôi.
Trước đây người ta thường gọi là nhiễm độc thai nghén, hội chứng protein niệu, nhưng ngày nay người ta nhận thấy chính huyết áp cao đã gây nên các biến chứng trầm trọng cho mẹ và thai nhi và là triệu chứng thường gặp nhất. Tiền sản giật xảy ra khoảng 5-10 % và sản giật chiếm khoảng 0,2- 0,5% trong tổng số thai nghén.
Thực phẩm nên dùng là các loại gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn, bún, phở, bánh đúc…(nên chọn các loại gạo lức, bánh mì đen hoặc ngũ cốc ngũ cốc xay xác dối thay cho gạo trắng, bún, phở, bánh đúc, ). Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo, giàu sắt và can xi như thịt nạc, cá nạc, tôm, cá nhỏ ăn cả xương, cua …..
Các chất béo bao gồm bơ động vật, dầu oliu, dầu nành, dầu điều, dầu mè, dầu hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt điều, trứng, thực phẩm đậu nành,quả ốc chó và omega-3 được tìm thấy trong cá béo. Ăn đa dạng các loại rau xanh, đặc biệt các loại rau có tính nhuận tràng như rau khoai lang, rau mồng tơi, ra đay (400- 600g/ngày). Ăn đa dạng các loại quả (nên ăn thanh long, cam, bưởi, đu đủ chín, chuối); Các loại sữa ít béo và các sản phẩm chế biến từ sữa như sữa chua.
Dinh dưỡng với thai phụ bị tiểu đường
Tiểu đường thai kỳ (TĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện đầu tiên trong lúc mang thai. Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với thai phụ bị tiểu đường: Một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể kiểm soát tốt đường huyết mà không cần dùng thuốc, hoặc giảm liều thuốc đang sử dụng và giảm các biến chứng do tiểu đường gây ra.
Nguyên tắc dinh dưỡng là nên nên ăn nhiều loại thực phẩm (15-20 loại) để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nên ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau ăn, và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn.Nên ăn 3 bữa chính và 2 đến 3 bữa phụ. Sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và trung bình. Nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, sữa chua, sữa, phô mai (ít béo, không đường).
Giảm ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng cao đường máu sau ăn: bánh, kẹo, kem, chè, trái cây sấy… Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu: Da, lòng đỏ trứng, phủ tạng (gan, tim,thận…) thức ăn chiên xào… Giảm ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp: mì gói, chả lụa, mắm, khô, tương, chao…; Giảm uống rượu, bia, nước ngọt.
(Theo Hướng dẫn quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú, Bộ Y tế)