Những năm gần đây, ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình, dự án phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số.
Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên các chính sách dinh dưỡng và đã ban hành các nghị quyết và các chỉ thị nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và tăng cường công tác dinh dưỡng. Trong đó, phòng và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo thống kê năm 2022 từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài. Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ bị còi cọc cao gấp 3 lần so với trẻ em từ các hộ gia đình khá giả hơn, vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc nơi có nhiều người dân tộc thiểu số là khu vực có tỷ lệ cao nhất.
Nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, thời gian qua, tại mỗi địa phương đã củng cố, kiện toàn mạng lưới chuyên trách; đào tạo kỹ năng tư vấn, thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông thực hành dinh dưỡng, trang bị kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ; phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng của trẻ bên cạnh việc hướng dẫn cách chăm sóc nuôi dưỡng và nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ. Ở các huyện cũng đã xây dựng được các câu lạc bộ dinh dưỡng tại mỗi thôn.
Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Với mục tiêu không còn trẻ suy dinh dưỡng, nhiều phụ nữ tại các vùng miền đã tham gia vào những câu lạc bộ dinh dưỡng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi con. Ngoài việc chăm lo cho phụ nữ mang thai và có con nhỏ, tại các buổi sinh hoạt, cán bộ Trung tâm y tế còn hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, nhằm cải thiện kinh tế, dinh dưỡng cho các thành viên trong từng gia đình.
Dù còn nhiều khó khăn về ngôn ngữ, phong tục tập quán song việc tuyên truyền về dinh dưỡng, tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực.
Cải thiện tình trạng trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vấn đề cấp thiết. Trong các dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025, dự án 7 được xây dựng, triển khai để góp phần giải quyết vấn đề này. Theo đó, dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em” đề ra mục tiêu cải thiện sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ.
Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 28% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030.
Đối tượng của dự án 7 là người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi. Trong đó, chú trọng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
8 Lợi Ích Sức Khỏe Không Ngờ Của Lá Quất | SKĐS