Nghiên cứu mới cho thấy, chế độ ăn giàu protein từ thực vật có thể giảm nguy cơ bệnh thận mạn tính. Không chỉ vậy, ăn nhiều rau củ quả còn còn giúp các chỉ số sức khỏe như huyết áp, BMI,… trở nên đẹp hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, thử nghiệm tiền lâm sàng chỉ ra protein từ thực vật ít gây viêm hơn so với protein động vật, trong đó viêm là yếu tố liên quan tiềm năng tới bệnh thận mạn tính.
Thận là cơ quan quan trọng trong cơ thể. Thận có chức năng lọc máu để loại bỏ độc tố, kiểm soát huyết áp và điều chỉnh các chất trong máu.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, 15% dân số Mỹ trưởng thành (khoảng 37 triệu người) đang sống chung với bệnh thận mạn tính. Tình trạng bệnh lý này xảy ra do chức năng thận suy yếu dần theo thời gian, làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, thiếu máu và nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng khác.
Chế độ dinh dưỡng giàu thực vật giúp thận của bạn trở nên khỏe mạnh hơn.
Nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Bệnh thận Mỹ cho thấy, chế độ ăn giàu protein từ thực vật có thể giảm nguy cơ tiến triển bệnh thận mạn tính. Theo nghiên cứu, những người ăn nhiều protein từ thực vật ít có khả năng mắc bệnh thận mạn tính trong vòng 10 năm so với người ăn nhiều protein từ động vật.
Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã biết rằng loại protein chúng ta ăn vào có thể ảnh hưởng đáng kể tới tình trạng sức khỏe của thận.
Theo TS. Seung Hyeok Han – đồng tác giả nghiên cứu, đã có nhiều bằng chứng cho thấy tiêu thụ protein động vật có thể tác động bất lợi đến sức khỏe mạch máu, có khả năng dẫn đến tiến triển của bệnh thận.
Nghiên cứu tiền lâm sàng chỉ ra, protein động vật có thể gây viêm nhiều hơn, trong đó viêm là yếu tố liên quan tới sức khỏe thận.
Mối liên hệ giữa protein từ thực vật và duy trì sức khỏe thận
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận những lợi ích của thay đổi thói quen ăn uống chuyển sang chế độ ăn giàu thực vật hơn. Chế độ ăn giàu thực vật có thể góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cân, giảm nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư,…
Theo TS. Seung Hyeok Han, chế độ ăn giàu thực vật giúp giảm hàm lượng chất béo trong cơ thể. Ông cho biết, chế độ ăn giàu thực vật cung cấp những axit amin thiết yếu cho cơ thể như axit glutamic, cystine, proline, phenylalanine và serine. Ngoài ra, chế độ ăn chủ yếu dựa vào thực vật giàu chất xơ và chống oxy hóa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Những món ăn tốt cho sức khỏe đường ruộtĐỌC NGAY
Nhóm các nhà khoa học đã theo dõi sức khỏe của hơn 117.000 người tham gia nghiên cứu Biobank (Ngân hàng sinh học) của Anh quốc. Những người này không có tiền sử bệnh thận mạn tính và mức lọc cầu thận (chỉ số chính về chức năng thận) dao động từ bệnh thận giai đoạn đầu tới mức khỏe mạnh.
Qua theo dõi sức khỏe của những đối tượng tham gia nghiên cứu trong vòng gần 10 năm, những người ăn càng nhiều protein có nguồn gốc từ thực vật hơn ít có khả năng mắc bệnh thận hơn.
Ngoài ra, những người ăn protein có nguồn gốc từ thực vật nhiều hơn cũng có các chỉ số sức khỏe đẹp hơn chẳng hạn như huyết áp, BMI, chất béo trung bình và giảm dấu hiệu viêm.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng nhận thấy những người có chế độ ăn giàu thực vật hơn thường duy trì lối sống lành mạnh hơn, chẳng hạn như chăm tập thể dục hơn và đồng thời không hút thuốc. Những người này cũng ít mắc các bệnh lý nền hơn so với nhóm ăn nhiều thịt.
Chế độ ăn giàu rau củ cải thiện chức năng thận như thế nào?
Chế độ ăn giàu thực vật có thể giúp thận hoạt động tốt hơn. TS. Seung Hyeok Han cho biết, chế độ dinh dưỡng giàu rau củ và giảm bớt thịt có lợi cho thận nhờ giảm tải nitơ và giảm tiết axit trong cơ thể.
Rau và các loại đạm thực vật khác có ưu điểm là chứa nhiều chất xơ hơn đạm động vật. Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột, góp phần hạ cholesterol và giảm tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể.
Bác sĩ chuyên khoa thận TS. Silas Norman – đồng giám đốc về Cấy ghép Thận và Tụy tại Đại học Michigan đồng ý rằng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có tác dụng hạ cholesterol. Theo chuyên gia này, chế độ ăn giàu thực vật góp phần hạ cholesterol, điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ viêm nhiễm, nhờ đó thận của bạn trở nên khỏe mạnh hơn.
Theo TS. Silas Norman, viêm nhiễm được coi là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh thận. Ông cho biết, so với protein động vật, protein thực vật chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn, hàm lượng chất béo bão hòa thấp hơn, nhờ đó giảm viêm nhiễm trong cơ thể, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.
Những protein nguồn gốc thực vật có lợi cho sức khỏe bao gồm đậu nành, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, các loại hạt, các loại đậu đỗ và đậu lăng.
Theo chuyên gia Ryan Woolley của Quỹ Thận Mỹ, nếu muốn thận khỏe mạnh, hãy ăn thực phẩm tươi thay vì đồ ăn chế biến sẵn. Kể cả đồ ăn chay, sẽ tốt hơn nếu bạn ăn thực phẩm tươi, món ăn với nguyên liệu rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt thay vì đồ chay chế biến sẵn.
Do đồ chế biến sẵn thường có hàm lượng phốt pho, kali và natri cao sẽ không tốt cho người mắc bệnh thận bởi ở những người này, thận khó đào thải hàm lượng dư thừa các chất gây viêm ra khỏi cơ thể.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Phòng ngừa bệnh thận bằng cách nào?