Trẻ từ 6 tháng tuổi cần được ăn bổ sung ngoài nguồn sữa mẹ. Mỗi bữa của trẻ phải có đủ 4 nhóm thức phẩm gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Những sai lầm thường gặp khi cho trẻ ăn bổ sung
Theo tài liệu Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng của Viện Dinh dưỡng, ăn bổ sung nghĩa là cho ăn thêm các thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Các thức ăn và chất lỏng thêm này được gọi là thức ăn bổ sung vì chúng bổ sung cho sữa mẹ, chứ không hoàn toàn thay thế được sữa mẹ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Thức ăn bổ sung phải là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và đủ về mặt số lượng để trẻ có thể tiếp tục phát triển. Dưới đây là một số sai lầm các mẹ hay gặp phải khi cho bé ăn bổ sung:
Sử dụng thực phẩm giàu đạm không đúng: Sai lầm chủ yếu là cho trẻ ăn dưới dạng nước thịt (chỉ cho ăn nước, không dùng cái, sợ trẻ hóc), nước xương hầm… Không biết sử dụng nguồn chất đạm dồi dào khác ngoài thịt, cá như ăn trứng sợ trẻ đầy bụng, tôm, cua sợ trẻ ho và ỉa chảy. Không biết dùng các loại đậu đỗ, lạc, vừng là nguồn đạm thực vật, tuy giá rẻ nhưng cũng rất tốt.
Ít sử dụng dầu mỡ trong bữa ăn của trẻ: Vì cho rằng dầu mỡ khó tiêu hóa, gây ỉa chảy.
Không cho trẻ ăn các loại rau xanh: Thường các bà mẹ chỉ dùng nước rau luộc, ngay cả các loại củ như khoai tây, cà rốt cũng chỉ lấy nước ninh để quấy bột cho trẻ. Một số bà mẹ quan niệm sai lầm cho rằng trẻ không ăn được rau, và ăn rau dễ rối loạn tiêu hóa.
Cho trẻ ăn cơm quá sớm khi chưa có răng: Các bà mẹ cho rằng ăn cơm sớm trẻ sẽ cứng cáp, nhanh biết đi. Thực tế nếu cho trẻ ăn cơm quá sớm, trẻ chỉ nuốt chửng với nước rau luộc hoặc nước canh vì vậy bộ máy tiêu hóa phải làm việc quá sức. Khi ăn cơm thường là ăn chung với gia đình, trẻ ít được quan tâm, ưu tiên thức ăn nên bữa ăn của trẻ không được đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng.
Cho trẻ ăn bổ sung đúng cách
Theo các chuyên gia của viện Dinh dưỡng, trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày), khi con bạn bắt đầu ăn bổ sung, hệ tiêu hóa của bé cần có thời gian để thích nghi với thức ăn, trẻ cần học cách nhai, đảo thức ăn trong miệng và nuốt thức ăn. Vì vậy bạn nên tập ăn cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn mỗi lần 2 – 3 thìa nhỏ/ lần x 2 lần/ ngày. Thời gian tập cho trẻ tập ăn thường trong vòng vài ba ngày (không nên kéo dài thời gian tập ăn quá 1 tuần). Sau đó tăng dần lượng thức ăn để phù hợp với độ tuổi của bé cũng như tăng dần độ đậm đặc của thức ăn.
Mỗi bữa cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, số lượng thức ăn tăng dần khi trẻ lớn lên. Tăng dần số lượng bữa ăn trong ngày của bé theo tuổi. Ăn đa dạng các loại thực phẩm, thay đổi và kết hợp nhiều loại thúc ăn khác nhau giúp trẻ ngon miệng, chú ý đến khẩu vị của trẻ khi nấu thức ăn.
Đảm bảo thức ăn của bé giàu dinh dưỡng, đủ chất, mỗi bữa của trẻ phải có đủ 4 nhóm thức phẩm gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đảm bảo vệ sinh ăn uống và chế biến thức ăn cho trẻ. Sử dụng thực phẩm tươi và nước sạch khi nấu ăn cho trẻ. Cần rửa sạch dụng cụ, tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn. Sử dụng đồ sạch để đựng thức ăn cho trẻ.
Thực đơn ăn dặm của trẻ cần có đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất:
Nhóm tinh bột: Sử dụng gạo tẻ, gạo tám mới, không nên trộn lẫn gạo nếp (gây đặc khó ăn vì có gluten) ý dĩ, hạt sen, đậu xanh (vì dễ gây cảm giác ngán, khó ăn và khó tiêu).
Nhóm chất đạm: Thịt, cá, trứng sữa, cua, tôm… là những thực phẩm chứa nhiều đạm. Khi mới bắt đầu tập ăn bổ sung, nên dùng thịt nạc (lợn, gà), lòng đỏ trứng gà giàu đạm, béo, dễ tiêu. Từ tháng thứ 7 có thể cho ăn thịt bò, cá, tôm, cua…. Tháng thứ 8 trở đi trẻ cần ăn đa dạng hơn.
Nhóm vitamin và khoáng chất: Cà rốt, củ cải, rau ngót, rau dền, chuối, cam, đu đủ…
Nhóm chất béo: Trẻ cần được ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ lợn…), với tỷ lệ tốt nhất là tỷ lệ 1:1 (người trưởng thành là 2:1). Nên cho ăn đa dạng các loại dầu thực vật (đậu nành, mè, ôliu, …), riêng dầu gấc chỉ nên cho ăn 1- 2 lần/tuần để tránh vàng da do thừa caroten. Đặc biệt lưu ý phải cho trẻ ăn lượng dầu/mỡ phù hợp trong các bữa ăn. Khi bắt đầu ăn bổ sung mỗi bữa cần cho 2,5ml dầu/mỡ, 8 tháng trở lên 5ml, gần 1 tuổi trở 7,5-10ml/bữa theo nguyên tắc một bữa dầu, một bữa mỡ.
Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ hơn trong và sau khi bị ốm. Cho trẻ uống nhiều nước hơn, đặc biệt khi trẻ tiêu chảy và sốt cao. Cho trẻ ăn thức ăn mềm và đa dạng. Tăng cường cho trẻ bú mẹ thường xuyên hơn nếu trẻ còn bú mẹ. Sau khi trẻ ốm cần cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường trong ít nhất 2 tuần để nhanh chóng phục hồi. Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì làm trẻ chán ăn rồi ăn ít đi. Không cho trẻ uống nước chè, cà phê, nước ngọt có ga. Khi cho bé ăn cần kiên nhẫn, luôn vui vẻ, khuyến khích để trẻ ăn tốt hơn.
Lưu ý, nếu trẻ được bú mẹ đầy đủ thì không cần cho trẻ ăn thêm bất cứ loại sữa bột nào. Khi trẻ ăn bổ sung vẫn duy trì cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi. Bữa chính là các bữa bột, cháo, cơm…được chế biến phù hợp theo nhu cầu và độ tuổi của trẻ. Bữa phụ là Bánh quy, hoa quả, sữa chua, trứng… (chiếm 5 – 10% năng lượng trong ngày).