Một số nghiên cứu đã phát hiện việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đái tháo đường và nhiều loại ung thư. Vậy người mắc bệnh ung thư có phải kiêng ăn thịt đỏ không?
1. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có nguy cơ gây ung thư?
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt đỏ dùng để chỉ tất cả các loại thịt cơ bắp của động vật có vú, bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt cừu, ngựa và dê.
Thịt chế biến sẵn là thịt đã được biến đổi thông qua ướp muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc các quá trình khác để tăng hương vị hoặc cải thiện khả năng bảo quản. Hầu hết các loại thịt chế biến đều sử dụng thịt lợn, thịt bò, thịt cừu hoặc có thể là thịt gia cầm và nội tạng.
Các sản phẩm thịt đã qua chế biến chủ yếu bao gồm: xúc xích, giăm bông, thịt bò khô, thịt nguội, thịt đóng hộp, các chế phẩm và nước sốt làm từ thịt…
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ ung thư do cách chế biến.
Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế Thế giới đã gây chú ý trên khắp thế giới khi thông báo rằng thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư. Thịt đỏ có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư ruột kết và trực tràng, đồng thời có liên quan đến một số bệnh ung thư khác như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy.
Theo WHO, nguyên nhân một phần có thể do cách nấu các loại thịt này. Nướng, chiên và các phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ cao khác dễ tạo ra các hóa chất thúc đẩy ung thư. Nguy cơ gia tăng có thể được giải thích là do hàm lượng sắt và chất béo trong thịt đỏ và/hoặc muối; nitrat/nitrit trong thịt chế biến sẵn. Ngoài ra, khi thịt được nấu ở nhiệt độ cao sẽ hình thành các chất có thể gây ung thư.
Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định thịt đỏ và thịt chế biến sẵn ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư như thế nào.
4 mẹo giúp giảm chất gây ung thư khi nướng thịtĐỌC NGAY
2. Nhiều người bệnh ung thư kiêng thịt đỏ hoàn toàn
Theo ThS.BS Trần Châu Quyên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhiều người cho rằng người bệnh ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất… còn sau giai đoạn điều trị chỉ nên ăn gạo lứt, muối vừng để cơ thể gầy yếu, không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần. Những quan niệm sai lầm này ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị, đồng thời làm tăng nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.
Nhiều người có quan niệm kiêng hoàn toàn thịt đỏ sẽ giảm cung cấp máu (chứa vitamin B12, sắt) cho khối u phát triển. Sự thật là vitamin B12 hay sắt không chỉ có trong thịt đỏ mà còn trong đạm động vật khác. Kiêng khem các thực phẩm này có thể gây ra thiếu đạm, cản trở quá trình lành vết thương, giảm khả năng phòng ngừa nhiễm trùng và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Người bệnh ung thư không nên tuyệt đối kiêng thịt đỏ mà vẫn nên ăn thịt đỏ với lượng nhất định. Bệnh nhân có thể ăn dưới 500g thịt đỏ một tuần (khoảng 70g mỗi ngày) và hạn chế thịt chế biến sẵn.
Đối với những người vẫn lo lắng về nguy cơ ung thư liên quan đến thịt đỏ và người bệnh ung thư có thể xem xét giảm mức tiêu thụ thịt đỏ, tăng cường nguồn thực phẩm cung cấp đạm khác như: trứng, sữa, đậu…
Có thể thay thế thịt đỏ bằng nguồn thực phẩm lành mạnh hơn.
3. Cách hạn chế thịt đỏ trong chế độ ăn uống
Ăn thịt đỏ với số lượng vừa phải sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng có giá trị, bao gồm protein, sắt, kẽm và vitamin B12. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận được các chất dinh dưỡng này từ các nguồn thực phẩm lành mạnh hơn như: cá, thịt gia cầm, trứng, các loại hạt…
Thực phẩm như thịt gia cầm, cá có xu hướng ít chất béo bão hòa và cholesterol hơn so với các loại thịt đỏ. Chúng cũng thường có lượng calo thấp hơn, điều này có thể giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.
Nếu ăn thịt đỏ, bạn nên chọn thịt tươi thay vì thịt chế biến sẵn và sử dụng các phương pháp nấu ở nhiệt độ thấp như hấp, luộc…
Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, theo BS. Trần Châu Quyên, người bệnh ung thư cần ăn uống đầy đủ các nhóm chất. Một chế độ ăn nhiều cá, trái cây, rau củ , ít thịt đỏ, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động tập thể dục… sẽ giúp cơ thể được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, nâng cao sức khoẻ để tăng hiệu quả điều trị.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hai loại thực phẩm bị nghi làm tăng đột biến số ca ung thư đại trực tràng.