Chỉ trong vòng vài tiếng rao bán loại quả này với giá 35.000 đồng/2 kg cho cư dân khu chung cư ở Hà Nội, chị Vũ Thị H. đã nhận được hàng trăm đơn. Đa số người mua là những người từng ăn loại quả có kỷ niệm tuổi thơ này, chỉ một số ít mua vì tò mò.
Bình bát – thứ quả quê dân dã
Thứ quả quê có màu vàng, xưa mọc đầy bờ ao hay cuối vườn nhưng không được ưa chuộng nay trở thành quả được tìm kiếm mỗi khi vào mùa.
Xưa, quê nghèo chỉ có những loại hoa trái làm thức quà cho bọn trẻ, trái ổi, trái hồng xiêm, mấy quả táo chim ăn… còn hấp dẫn chứ có những loại quả, lũ trẻ tinh nghịch chỉ tiện tay hái, bửa đôi, nếm qua rồi nhăn mặt như quả bình bát (na xiêm, na đất).
Trà cúc Hải Phòng, thức uống ngon và lạ!ĐỌC NGAY
Nay, chợ phố những ngày hè, thế nào cũng có các cô, các chị xăm xăm tìm kiếm những quả bình bát, thấy rồi là trả giá qua loa và mua gọn vì loại quả này giờ không còn sẵn như xưa. Quê lên phố, đất làng cũng sốt, người ta chặt bỏ nhiều cây ít giá trị kinh tế như cây bình bát, cây chay.
Trẻ phố ngày xưa cũng chê loại quả có nhân thịt giống quả na dai nhưng có vị chua chua, ngọt nhạt và rất nhiều hạt này nhưng ở phố nên nhà có điều kiện thêm chút đường đánh tan với nhân quả và thêm chút đá cây chặt nhỏ thì ăn tạm.
Giờ, trẻ phố hay trẻ quê đều thành người lớn mà người lớn thì hay hoài niệm, hay nhớ về hương vị cũ mà không loại trà sữa hay trà chanh, sinh tố hiện đại nào dễ so sánh. Vậy là đi chợ, chợ phố, chợ quê và chợ online để tìm mua loại quả có tên không lấy làm hấp dẫn nhưng thân thương ấy.
Người ta thường lựa những trái bình bát to, già, chín nứt vì có nhiều thịt hơn quả nhỏ và không có vị đắng mang về lột vỏ rồi thêm chút đường đánh đều tay cho thịt quả màu vàng nhẹ ngấm đường rồi thêm mấy viên đá lạnh, sau đó nhẩn nha nhằn hạt lấy thịt quả, nhấp chút nước sánh sánh, thơm ngọt, chua chua, man mát.
Cầu kỳ hơn thì chế biến thành món trà bình bát trộn với đường phèn hoặc đường vàng và thêm trái tắc (quất) rồi để trong tủ lạnh uống dần trong ngày hè nóng nực. Nếu để bên ngoài, loại trà này chỉ để được vài ngày vì sau đó hỗn hợp trà sẽ lên men.
Cây, quả bình bát.
Tham khảo cách làm trà bình bát hấp dẫn giải nhiệt
Nguyên liệu:
- 1.5kg bình bát
- 200g đường phèn
- 100g đường vàng
- 120g tắc (quất)
- 100ml nước
- Một chút muối
Cho đường, nước và chút muối vào nồi, khuấy cho tan đều, đun nước đường sôi trong khoảng 3 – 4 phút rồi để nguội. Chuẩn bị thau nước sạch, cho vào 1 muỗng muối và vắt 1 miếng chanh. Bình bát gọt vỏ, ngâm trong thau nước muối chanh vài phút rồi vớt ra và xé nhỏ.
Cho vào 100g đường vàng vào nguyên liệu bình bát đã xé nhỏ rồi bóp đều, dùng màng bọc thực phẩm bọc lại để chừng 1 tiếng (có người mang ra phơi nắng). Tắc một phần cắt lát bỏ riêng, một phần vắt nước cốt tắc cho vào thau đựng thịt quả bình bát. Đổ nước đường qua rổ lọc vào thau mãng cầu, trộn đều. Cho thêm tắc đã cắt lát vào và trộn đều.
Sau đó cho thành phẩm vào lọ thủy tinh miệng rộng, bảo quản trong tủ lạnh. Khi pha trà bình bát ngâm đường, cứ 1 ly 400ml thì cho thêm 5g đường và 100ml cốt trà hoặc 100ml nước lọc vào ly, khuấy tan, thêm đá vào gần đầy ly. Múc thịt bình bát ngâm đường cho lên trên là được một ly trà bình bát hấp dẫn, thanh mát.
Bình bát còn có tên gọi là na đất, na xiêm, đây là một loại cây thân gỗ thuộc họ Na, cao khoảng 2 đến 5m, có cây cao tới 10m, tán rộng, có nhiều nhánh nhỏ. Lá của loại cây này nhọn ở phần đầu, phần gốc bo tròn, mặt dưới phủ một lớp lông mịn, mặt trên nhẵn bóng. Hoa nhỏ màu vàng và mọc xen kẽ. Mùa hoa vào tháng 5-6 và thu hoạch quả vào tháng 7 – tháng 8.
Bình bát thân gỗ có vỏ dày hơn bình bát dây, có màu xanh khi còn non và chuyển sang màu vàng khi đã chín. Quả hình tim (quả kép như các loại na), mặt ngoài có từng ô 5 góc mở; thịt quả trắng ngà hoặc vàng nhạt. Thịt quả ăn được không ngon như na hoặc mãng cầu xiêm vì vị hơi chát, ít ngọt, chua chua và không có mùi thơm nức. Quả bình bát có chứa: vitamin C; vitamin A ; vitamin B6, magnésium, potassium, chất xơ.
Các bộ phận từ rễ, thân, lá đến quả hay hạt bình bát đều được sử dụng làm dược liệu. Các dược liệu này sau khi hái về đem rửa thật sạch, có thể để dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những loại trái cây chứa nhiều đường tự nhiên nhất.