Rong biển là một loại thực phẩm đa năng và bổ dưỡng có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau. Vào mùa hè, nên thay đổi món canh phổ biến bằng cách nấu món canh rong biển có vị thanh mát dễ ăn lại rất giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
1. Tác dụng của rong biển đối với sức khỏe
Rong biển lả tên gọi một số loài tảo biển khác nhau. Rong biển đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái biển. Nó cung cấp nơi trú ẩn cho sinh vật biển, cung cấp thức ăn và dinh dưỡng cho một số loài, thậm chí giúp loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển.
Có nhiều loại rong biển ăn được khác nhau, mỗi loại có hương vị và hình thức riêng. Một số loài có kích thước rất nhỏ, một số loài có kích thước khá lớn như tảo bẹ. Một số loại rong biển và tảo phổ biến nhất được sử dụng làm thực phẩm hoặc chất bổ sung như: rêu biển, tảo xoắn, tảo xoắn xanh, tảo bẹ…
Giá trị dinh dưỡng của rong biển có thể thay đổi dựa trên loại và giống cụ thể. Tuy nhiên, nó thường ít calo và chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như: đồng, i-ốt, kali, magiê, riboflavin, thiamine…
Hầu hết các loại rong biển đều có tác dụng giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa, giảm mức cholesterol, giảm cân, ổn định lượng đường trong máu, hỗ trợ chức năng tuyến giáp và bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của các gốc tự do.
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện TW Quân đội 108, rong biển là một loại tảo đã được sử dụng làm thực phẩm và làm thuốc ở nhiều nơi trên thế giới. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, rong biển có tác dụng dược lý khá phong phú như: Tăng cường chức năng miễn dịch, chống suy giảm bạch cầu, chống phóng xạ, chống oxy hóa và thải loại các gốc tự do, hỗ trợ giảm cholesterol máu, bổ sung i-ốt phòng chống bệnh bướu cổ do thiếu i-ốt…
Theo y dược học cổ truyền, rong biển là vị thuốc có vị đắng mặn, tính lạnh, thường được dùng để chữa lao hạch, u bướu, phì đại tuyến giáp, thoát vị bẹn hoặc bìu, tinh hoàn sưng đau…
Rong biển giàu chất chống oxy hóa.
Một trong những lợi ích hàng đầu của rong biển là hàm lượng chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa là các hợp chất giúp trung hòa các gốc tự do có hại. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cũng có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư và đái tháo đường.
Rong biển là thực phẩm giàu chất xơ, một chất dinh dưỡng quan trọng đóng vai trò trung tâm đối với sức khỏe hệ tiêu hóa. Chất xơ cũng tăng cường sức khỏe đường ruột. Nó chứa một số hợp chất cụ thể, chẳng hạn như polysacarit sunfat, có thể tăng cường sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột.
Lượng calo thấp cộng với hàm lượng chất xơ dồi dào khiến nó trở thành một thực phẩm bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn kiêng giảm cân lành mạnh. Một số hợp chất được tìm thấy trong loại rau biển này cũng giúp thúc đẩy quá trình giảm cân, bao gồm cả fucoxanthin.
Rong biển cũng là thực phẩm tốt cho sức khỏe tuyến giáp, có liên quan đến đến việc điều chỉnh quá trình trao đổi chất, chức năng cơ, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và tiêu hóa. Thiếu i-ốt gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chậm phát triển, rụng tóc, tăng nhạy cảm với cảm lạnh và bướu cổ.
Ngoài ra, rong biển cũng chứa một lượng tyrosine dồi dào, đây là một loại axit amin cũng hỗ trợ sản xuất hormone tuyến giáp để hỗ trợ chức năng tuyến giáp tốt hơn.
Rong biển tốt cho người bị bướu cổĐỌC NGAY
2. Cách chế món canh rong biển thơm mát cho ngày hè
Hầu hết các loại rong biển được bán ở dạng khô và không cần nấu chín như các món ăn vặt. Rong biển khô sau khi ngâm nước ăn trực tiếp hoặc chế biến các món ăn khác như salad rong biển, súp rong biển, rong biển xào, đặc biệt là canh rong biển.
Xin giới thiệu cách làm một số món canh rong biển thanh mát, giàu dinh dưỡng thích hợp dùng trong những ngày hè nóng bức:
Canh rong biển thịt băm
Nguyên liệu
- Rong biển khô 100g
- Thịt lợn băm 300g
- Hành tím 2 củ
- Gia vị, hành mùi, dầu ăn
Cách chế biến
– Cho rong biển vào chậu đựng nước lạnh, ngâm từ 20 – 30 phút cho rong biển nở ra hết.
– Hành tím thái đều, mỏng. Hành lá mùi thái nhỏ.
– Đun nóng một chút dầu ăn vào phi thơm hành tím rồi cho thịt vào xào, khi thịt đã săn lại thì thêm nước và gia vị vừa đủ.
– Đun 3 – 5 phút thì cho hết phần rong biển đã sơ chế vào nồi, đun thêm từ 3 – 5 phút nữa đến khi canh sôi lại thì tắt bếp.
Canh rong biển sườn lợn
Nguyên liệu
- Rong biển khô 100g
- Sườn non 500g
- Gừng tươi vài lát
- Gia vị vừa đủ
Cách chế biến
– Sườn lợn chặt miếng vừa ăn rồi chần sơ qua nước sôi khoảng 2 – 3 phút, sau đó vớt sườn ra, rửa lại bằng nước sạch rồi để ráo.
– Bắc nồi lên bếp, cho khoảng 1 lít nước và phần sườn đã sơ chế vào nồi, thêm gia vị và gừng tươi. Đậy nắp và đun khoảng 30 phút cho tới khi sườn chín.
– Sau khi sườn chín mềm, cho hết rong biển đã cắt nhỏ vào nồi, đun thêm 3 – 5 phút nữa, đến khi canh sôi lại thì tắt bếp.
Canh rong biển.
Canh rong biển nấu tôm
Nguyên liệu
- Tôm tươi 200g
- Rong biển khô 1 gói
- Hành lá 2 nhánh
- Hành tím 2 củ
- Gừng 1 nhánh nhỏ
- Nước mắm, dầu ăn, gia vị
Cách chế biến
– Tôm bóc vỏ, rút sạch chỉ lưng rồi rửa sạch, ướp tôm với gia vị và một chút hành tím băm nhỏ trong khoảng 10 phút.
– Hành lá cắt bỏ rễ, rửa sạch, cắt khúc. Hành tím lột sạch vỏ, rửa sạch, băm nhỏ. Gừng gọt vỏ, cắt lát mỏng.
– Cho rong biển vào nồi, đổ nước ngập phần rong biển, ngâm khoảng 15 phút rồi vớt ra cho muối vào bóp nhẹ khoảng 1 – 2 phút sau đó rửa lại với nước sạch.
– Bắc nồi lên bếp cho vào 1 thìa cà phê dầu ăn, đun nóng dầu và cho hành tím đã băm nhỏ vào nồi phi thơm.
– Cho tôm vào nồi đảo nhẹ đến lúc tôm săn lại, hơi ửng đỏ.
– Tiếp tục đổ vào nồi 400ml nước, cho tiếp gừng đã cắt lát rồi đun đến lúc hỗn hợp sôi lên. Cho phần rong biển vào, đảo đều để rong biển chín.
– Cho vào nồi 1 muỗng canh nước mắm, đậy nắp lại để canh sôi lại 1 lần nữa, rồi nêm thêm 1 ít bột ngọt và cho hành lá vào rồi tắt bếp.
Xem thêm video đang được quan tâm
Ngâm rau sống vào nước muối có diệt được giun sán?