Việc sử dụng các thực phẩm đông lạnh không còn xa lạ với nhiều gia đình từ nông thôn đến thành phố nhưng rã đông thực phẩm không đúng cách sẽ gây biến chất thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao.
1. Vì sao không nên rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng?
Ngày nay, chiếc tủ lạnh đã trở thành vật dụng quen thuộc trong nhiều gia đình. Các sản phẩm đông lạnh được nhiều hộ gia đình ưa chuộng vì tính thiết thực và tiện lợi.
Một số loại trái cây và rau quả như đậu Hà Lan, quả mâm xôi thậm chí còn được khuyến khích dùng ở dạng đông lạnh để tận dụng các đặc tính dinh dưỡng của chúng. Tuy nhiên, nếu rã đông thực phẩm không đúng cách có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Để thực phẩm tự rã đông ở nhiệt độ phòng dễ khiến vi khuẩn sinh sôi, phát triển gây ngộ độc.
Khi rã đông, nên đặc biệt thận trọng với những thực phẩm dễ hư hỏng như thịt sống hoặc chín, thịt gia cầm và các sản phẩm từ trứng. Khi thực phẩm đông lạnh (đặc biệt là thịt sống) tiếp xúc với nhiệt độ bình thường, vi khuẩn sinh sôi nhanh gấp nhiều lần so với trước khi rã đông khiến thức ăn dễ bị ôi thiu.
Nếu để thực phẩm sống tự rã đông ở nhiệt độ phòng, đặc biệt những ngày nóng nhiệt độ trên 32°C thì trong vòng 1 giờ đồng hồ các loại vi khuẩn nguy hiểm như tụ cầu khuẩn, Salmonella, E.Coli gây tiêu chảy phát triển rất nhanh, thực phẩm rất dễ bị ôi thiu, mặc dù được nấu chín vẫn có thể tồn tại độc tố.
Vì vậy, nên rã đông từ từ trong ngăn mát tủ lạnh để đảm bảo an toàn. Đối với rau củ, trái cây không nên rã đông mà nên chế biến luôn để tránh hiện tượng chảy nước, làm thực phẩm nhũn và mất chất dinh dưỡng.
2. 3 phương pháp rã đông tốt nhất
Theo Cục Kiểm định và An toàn Thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), có 3 cách rã đông thực phẩm an toàn:
Rã đông trong tủ lạnh
-
Những ngày nhà nhà rã đông thịt gà, chú ý 4 cách rã đông sai lầm có thể gây độc tố nguy hiểmĐỌC NGAY
Đây là một phương pháp rã đông thường được khuyến nghị nhất. Rã đông bằng cách lấy thực phẩm từ ngăn đông xuống ngăn mát tủ lạnh khoảng 24h trước khi chế biến để thực phẩm có thể rã đông hoàn toàn. Lưu ý, đặt thực phẩm trong hộp kín hoặc trong đĩa có phủ màng bọc thực phẩm.
Lập kế hoạch trước cho thực đơn ngày hôm sau là chìa khóa của phương pháp này vì nó tốn nhiều thời gian.
Sau khi rã đông trong tủ lạnh, các món như thịt xay, thịt hầm, thịt gia cầm, hải sản vẫn giữ được an toàn và chất lượng tốt thêm 1-2 ngày trước khi nấu; thịt đỏ (chẳng hạn như thịt bò, thịt lợn hoặc thịt cừu nướng, sườn và bít tết) 3 – 5 ngày. Thực phẩm đã rã đông trong tủ lạnh cũng có thể được đông lạnh lần nữa khi chưa nấu, tuy nhiên dễ bị giảm chất lượng.
Rã đông bằng nước lạnh
Phương pháp này nhanh hơn rã đông trong tủ lạnh nhưng yêu cầu chuẩn bị cao hơn. Thực phẩm bắt buộc phải được đựng trong bao bì kín khí hoặc túi nilon chống ngấm nước vì trong trường hợp bị rò rỉ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào thực phẩm.
Ngâm hoàn toàn sản phẩm đông lạnh vào nước lạnh và nên thay nước sau mỗi 30 phút. Ngoài ra, mô thịt có thể hấp thụ nước, dẫn đến sản phẩm bị chảy nước. Sau khi rã đông hoàn toàn, thức ăn phải được nấu ngay.
Thực phẩm rã đông bằng phương pháp nước lạnh nên được nấu chín trước khi đông lạnh lại.
Rã đông bằng lò vi sóng
Nếu bạn quên rã đông thực phẩm từ trước và đang vội, bạn có thể sử dụng chức năng “rã đông” của lò vi sóng. Khi rã đông thực phẩm trong lò vi sóng, hãy nấu chín ngay sau khi rã đông vì một số vùng của thực phẩm có thể ấm lên và bắt đầu chín trong quá trình rã đông đưa thực phẩm đến nhiệt độ “vùng nguy hiểm”.
Sau khi rã đông trong lò vi sóng, không nên bảo quản thực phẩm đã bị chín một phần vì thực phẩm có thể đã đạt đến nhiệt độ tối ưu là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Do đó, thực phẩm rã đông trong lò vi sóng phải được nấu chín trước khi đông lạnh lại.
3. Một số lưu ý bảo quản thực phẩm an toàn
Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Những gia đình có thói quen đi chợ một lần mua thức ăn dự trữ để dùng cho nhiều ngày, sau khi mua về nên sơ chế, làm sạch các thực phẩm tươi sống ngay để hạn chế khả năng thực phẩm bị ảnh hưởng do nhiệt độ.
Thịt, cá cần sơ chế, rửa sạch và để ráo nước. Nên chia thịt, cá thành từng phần nhỏ phù hợp với bữa ăn của gia đình trước khi cấp đông để tránh việc rã đông thực phẩm nhiều lần gây nhiễm khuẩn. Dụng cụ chứa thực phẩm phải tuyệt đối kín để dịch thức ăn không chảy ra.
Thực phẩm trữ đông cần sơ chế, chia từng bữa phù hợp và bảo quản bằng hộp hoặc túi chuyên dụng.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cũng lưu ý, các gia đình nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên (1-2 tuần lau chùi một lần), lau các vết bẩn ngay khi xuất hiện để giúp giảm sự tăng trưởng và ngăn ngừa sự lây lan vi khuẩn từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.
Tuyệt đối không để lại thực phẩm đã rã đông bên ngoài vào ngăn đông lạnh. Tốt nhất không trữ thực phẩm quá 7 ngày, kể cả các thực phẩm đông đá như các loại thịt, hải sản… các loại rau xanh và hoa quả chỉ nên lưu lại trong ngăn mát tủ lạnh từ 4-5 ngày.
Xem thêm video đang được quan tâm
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh có nên nhịn ăn?